Tâm điểm
Tri Thức

Học Bác, đừng quên "vũ khí sắc bén" tự phê bình và phê bình

"Đảng ta có một vũ khí sắc bén để làm cho đảng viên tiến bộ, làm cho Đảng ngày càng mạnh là tự phê bình và phê bình". Đó là sự khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đến dự và nói chuyện tại Hội nghị nghiên cứu lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng ngày 28/11/1959.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định: "Có hoạt động thì khó tránh khỏi khuyết điểm. Nhưng khi có khuyết điểm thì phải thật thà tự phê bình, hoan nghênh người khác phê bình mình và kiên quyết sửa chữa". Bác còn dạy rằng: "Phê bình phải dân chủ, nghĩa là Bác phê bình các cô, các chú, trái lại các cô các chú có thể phê bình Bác, mà phải phê bình Bác, có cái hay phải học, cái khuyết điểm thì phê bình"...

Chỉ qua sự khẳng định, dạy bảo ngắn gọn, súc tích ấy thôi, cũng thấy toát lên ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phê bình và tự phê bình. Rõ ràng là bất kể ai làm việc gì cũng có thể mắc sai lầm, chỉ những người không làm gì mới không phạm phải sai lầm. Sai lầm, vì thế, là lẽ thường tình xảy ra trong đời sống hàng ngày, trong công việc. Sai lầm mắc phải do nhiều nguyên nhân khác nhau, ví như sự chủ quan, sự thiếu hiểu biết, thiếu chín chắn, sự nóng vội, mất bình tĩnh, sự chuyên quyền, độc đoán, không chịu lắng nghe tham mưu, không vì lợi ích của tập thể...

Học Bác, đừng quên vũ khí sắc bén tự phê bình và phê bình - 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sỹ thi đua ngành nông nghiệp và Đổi công toàn quốc tại Hà Nội, ngày 23/5/1957. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Sai lầm thường không lặp lại, nếu chúng ta biết rút kinh nghiệm, biết lắng nghe, tiếp thu sự góp ý của người khác. Vì thế, sai lầm không có gì đáng phải hổ thẹn, bưng bít. Sai lầm được nhìn nhận, chỉ ra cùng sự khắc phục càng khiến mỗi người chín chắn, trưởng thành hơn, làm việc trách nhiệm, hiệu quả hơn. Tất nhiên, từ cả hai phía người phê bình và người nhận sự phê bình đều phải trên cơ sở khách quan, công tâm, chân thành, có tình có lý, vì lợi ích của mỗi người và hơn hết là vì tập thể. Đó thực sự phải là việc phê bình để người khác thấy được sai lầm, khuyết điểm của mình và những nguyên nhân mắc phải, từ đó có hướng sửa sai chứ nhất quyết không thể vì động cơ cá nhân, sự đố kỵ, ganh ghét, vùi dập đầy ác ý. Có như thế, chúng ta mới thực sự có "vũ khí sắc bén" để "làm cho đảng viên tiến bộ, làm cho Đảng ngày càng mạnh", như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Và chắc chắn, khi "vũ khí sắc bén" ấy được sử dụng đúng lúc, đúng nơi, khoa học, hợp lý thì hiệu quả sẽ là rất tích cực. Còn không, những hệ lụy, hậu quả là khôn lường, nhất là khi những sai lầm lặp đi lặp lại, bị bưng bít, giấu kín; những lời phê bình không được tiếp thu, lắng nghe, thậm chí người phê bình còn bị trù dập, bị coi là "phá hoại", gây mất đoàn kết nội bộ để rồi dẫn đến kết cục "đấu tranh thì tránh đâu" khiến việc phê bình nói riêng, việc đấu tranh chống lại những sai phạm bị xem nhẹ, không ai muốn thực hiện. Và khi ấy, những mầm mống bệnh tật sẽ nảy mầm, phát tác, tàn phá tập thể, đơn vị, địa phương, quốc gia.

Thời gian qua hàng loạt cán bộ, nguyên cán bộ cấp cao bị kỷ luật, nhiều người bị xử lý hình sự. Đó đều là các đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Và trong đó có những vi phạm, khuyết điểm dẫn đến nguy cơ hoặc trên thực tế đã xảy ra thất thoát, lãng phí rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước cũng như nguồn lực xã hội, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền...

Thử hỏi, vi phạm trong những vụ việc kể trên có xảy ra nếu công tác tự phê bình và phê bình được chú trọng ngay từ đầu? Câu trả lời chung và có lẽ sẽ nhận được sự thống nhất là: Không dễ dàng! Qua đó chúng ta đều thấy rằng, công tác tự phê bình và phê bình bị lơ là, buông lỏng đã dẫn đến những hậu quả hết sức nghiêm trọng, vô cùng đáng tiếc.

Ngoài ra, một điều chắc chắn rằng, nếu như không có sự bao che, và nếu như có sự thẳng thắn, khách quan, công bằng, công tâm, vì lợi ích chung thì những khuyết điểm, sai phạm sẽ được chỉ ra một cách kịp thời, tìm cách tháo gỡ hiệu quả.

Nếu như việc phê bình và tự phê bình được thực hiện thường xuyên, hiệu quả, chắc chắn cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ vị trí lãnh đạo, những người đứng đầu sẽ không vi phạm những điều đảng viên không được làm, không tha hóa, biến chất, rơi vào những "chiếc bẫy" lợi ích phi pháp, những "viên đạn bọc đường" trong giải quyết công việc, trong sinh hoạt thường ngày.

Khi ấy, thứ "vũ khí sắc bén" đã bị bỏ quên vô cùng đáng tiếc và trở nên han gỉ, hỏng hóc. Thế nên, cần nhắc lại rằng, trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên nhận thức và biết vận dụng đúng đắn nguyên tắc tự phê bình và phê bình - một trong những nguyên tắc cơ bản, quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Và khi nguyên tắc cơ bản, quan trọng ấy bị bỏ qua, thứ "vũ khí sắc bén" không được sử dụng, sai phạm xảy ra là điều khó tránh khỏi, thiệt hại khôn lường cả về vật chất lẫn uy tín.

Xin được nhắc lại rằng, ngay từ khi mới thành lập (ngày 3/2/1930), Đảng ta đã mang trong mình tinh thần "tự chỉ trích" rất nghiêm túc. Từ những sự "tự chỉ trích" ngay từ khi ra đời, diễn ra thường xuyên, trở thành nếp sinh hoạt chính trị ấy, đến Đại hội II năm 1951, Đảng ta đã đưa vấn đề tự phê bình và phê bình vào Điều lệ Đảng.

Suốt gần 95 năm qua, Đảng ta không bao giờ che đậy, giấu giếm khuyết điểm của mình. Vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng đi vào nề nếp, trở thành quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai ngày càng quyết liệt, "không có ngoại lệ", "không có vùng cấm" đã trở thành phong trào, thành xu hướng không thể đảo ngược, giúp niềm tin của dân vào Đảng ngày một lớn lao, vững chãi hơn.

Đó cũng chính là việc Đảng ta, mỗi cá nhân đảng viên có trách nhiệm, vì sự tồn vong của Đảng, vì sự phát triển của đất nước học Bác một cách rất thiết thực, hiệu quả, đúng như những gì Bác từng nói: "Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính". Vậy, cần thiết phải nhấn mạnh một lần nữa rằng, học Bác, chúng ta không thể lãng quên, xem nhẹ thứ "vũ khí sắc bén" là tự phê bình và phê bình, bởi đó chính là việc "vì Đảng, vì dân tộc, vì giai cấp, vì chủ nghĩa cộng sản" như Bác khẳng định.

Tác giả: TS Nguyễn Tri Thức là Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Chuyên đề và Chuyên san, Tạp chí Cộng sản. Ông Thức cũng là giảng viên thỉnh giảng của nhiều trường đại học; giảng viên kiêm chức của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!