Câu chuyện đằng sau món mỳ trường thọ nổi tiếng ngày Tết

Việt Trinh

(Dân trí) - Là món ăn quen thuộc của nhiều người châu Á mỗi dịp Tết đến, món ăn mỳ trường thọ ẩn chứa ý nghĩa đặc biệt.

Tết Nguyên đán luôn là thời điểm mọi người cầu mong cho một năm mới bình an, may mắn. Không chỉ hiện diện trong câu nói, những lời chúc còn được gửi gắm trong các món ăn ngày Tết.

Trong nền ẩm thực Á Đông, món mỳ trường thọ nổi tiếng khi mang nhiều ý nghĩa về mong ước sức khỏe. Chính vì vậy, vào mỗi dịp Tết hay sinh nhật, nhiều người lựa chọn thưởng thức món mỳ trường thọ như một cách để mong bản thân luôn khỏe mạnh.

"Mọi năm khi Tết đến, hầu như bàn nào cũng gọi món mỳ trường thọ. Vừa ngon, vừa đẹp mắt, món ăn này còn tượng trưng cho sự may mắn", Johnny Mui - chủ của một nhà hàng tại New York, Mỹ - cho hay.

Câu chuyện đằng sau món mỳ trường thọ nổi tiếng ngày Tết - 1

Tại Trung Quốc và một số nước châu Á, mỳ trường thọ tượng trưng cho cuộc sống dài lâu (Ảnh: Xinhua).

Chính vì sự nổi tiếng và ý nghĩa đằng sau mỳ trường thọ, nhiều người thắc mắc, nguồn gốc của món ăn này là gì?

Theo thông tin được ghi chép trong các tài liệu, món mỳ trường thọ được ra đời từ thời nhà Hán vào khoảng năm 141-87 TCN. Khi đó, Hoàng đế Ngô nghe nói và kể cho các quan đại thần của mình rằng, nếu một người có khuôn mặt dài thì họ sẽ sống rất thọ.

Vì không thể thay đổi độ dài của khuôn mặt, hoàng đế quyết định ăn loại mỳ sợi dài và coi đây là cách để tăng tuổi thọ, bởi trong tiếng Trung, từ "mỳ" và từ "khuôn mặt" có phát âm giống nhau. Sau đó, tập tục này dần lan rộng khắp đất nước. Tuy nhiên, các nhà sử học Trung Quốc không đồng ý với giả thuyết này.

"Triều đại Hán là thời kỳ văn hóa mỳ nở rộ tại Trung Quốc, góp phần đặt nền móng cho những món mì ngày nay. Tuy nhiên, không có cơ sở nào để nói Hoàng đế Ngô là lý do tại sao chúng ta có mỳ trường thọ", Zhao Rongguan - học giả hàng đầu từng viết về lịch sử và văn hóa ẩm thực Trung Quốc trong 4 thập kỷ qua - chia sẻ với CNN.

Câu chuyện đằng sau món mỳ trường thọ nổi tiếng ngày Tết - 2

Khi ăn mỳ trường thọ, người ta thường cố gắng để không cắn hoặc làm đứt sợi mỳ (Ảnh: Xiaohongshu).

Mặc dù không ai biết chính xác về nguồn gốc, mỳ trường thọ là món ăn phổ biến tại nhiều nước châu Á như Singapore, Malaysia và Hàn Quốc. Tại Singapore và Malaysia, cộng đồng người Hoa ở đây thường sử dụng misua (bún lúa mỳ) làm món mỳ trường thọ.

Trong dịp Tết Nguyên đán, người Hàn Quốc thích ăn japchae - miến trộn. Còn trong đám cưới và sinh nhật, người dân xứ sở kim chi thường ăn janchi-guksu - còn được gọi là "mỳ yến tiệc" hoặc "mỳ tiệc" - món mỳ tượng trưng cho cuộc sống trường thọ và hạnh phúc.

Tại một số tỉnh ở phía Bắc Trung Quốc, nhiều người vẫn giữ thói quen ăn mỳ trường thọ theo kiểu cũ.

"Khi mỳ được bưng đến, khách sẽ gắp một ít mỳ từ bát, dùng đôi đũa kéo đầu kia của sợi mỳ một cách điệu nghệ. Sau đó, họ sẽ ăn và húp một hơi với vẻ mặt vui vẻ. Đó là cách để bày tỏ lòng biết ơn đối với chủ nhà", ông Zhao Rongguan cho hay.

Câu chuyện đằng sau món mỳ trường thọ nổi tiếng ngày Tết - 3

Giới trẻ tại đất nước tỷ dân sử dụng cà rốt để khắc nên những câu chúc ý nghĩa cho bát mỳ trường thọ (Ảnh: Xiaohongshu).

Không chỉ vậy, để món mỳ trường thọ trở nên hấp dẫn, sinh động hơn, giới trẻ Trung Quốc đã tỉa cà rốt thành những lời chúc như "Chúc mừng năm mới" và "Chúc mừng sinh nhật" và trang trí lên bát mỳ.