Khách Tây xinh đẹp tiếc nuối khi về nước không được ăn đồ Việt

Huy Hoàng

(Dân trí) - Vị khách người Australia ăn ngấu nghiến bát cơm khi biết tin mai phải về nước, không được tiếp tục thưởng thức các món ăn Việt Nam khiến mọi người đều bật cười.

Đoạn video chia sẻ khoảnh khắc cô gái người nước ngoài ăn cơm ngấu nghiến khi biết tin mai phải về nước không được tiếp tục thưởng thức đồ ăn Việt Nam, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem với rất nhiều bình luận.

Bên cạnh những lời khen ngợi về gương mặt khả ái của cô gái, nhiều người còn nói vui rằng lấy chồng Việt Nam thì cô gái sẽ thỏa mãn niềm đam mê ăn uống.

Khách Tây xinh đẹp tiếc nuối khi về nước không được ăn đồ Việt - 1
Khoảnh khắc gây cười của cô gái người Australia trong bữa cơm cuối cùng trước khi chia tay Việt Nam để về nước (Ảnh cắt từ clip).

"Không biết vị khách này sang Việt Nam bao lâu mà mê đồ ăn Việt đến vậy. Thế mới thấy ẩm thực Việt có sức hút thực sự", tài khoản có tên Phong Vũ bình luận.  

Theo tìm hiểu, đoạn video được quay tại một nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn thuần Việt tại TPHCM. Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Phạm Văn Hưng, hướng dẫn viên du lịch cho biết mình là người quay video khi dẫn đoàn khách Australia đi ăn bữa cuối cùng trước khi chia tay đoàn để hôm sau nhóm khách trở về nước.

"Đây là nhóm khách trẻ đến từ Australia sang Việt Nam du lịch xuyên Việt 15 ngày hồi cuối tháng 4 vừa qua. Cả nhóm đều rất hào hứng với món ăn Việt Nam. Thậm chí có khách khi về nước còn nhắn tin với tôi rằng họ phải tìm nhà hàng Việt ở Australia để ăn cho đỡ nhớ', anh Hưng nói.

Cũng theo vị hướng dẫn viên này, khách Australia đặc biệt thích các món như bún chả, nem rán, phở, bánh mì. Trong bữa cơm, họ thích gọi những món ăn mặn như thịt gà xào sả ớt, sườn xào chua ngọt, thịt lợn rang cháy cạnh...

Đưa khách đi hành trình xuyên Việt, anh Hưng nhận thấy ẩm thực Hà Nội được lòng khách nước ngoài nhất. Trong khi đó, nếu ở góc độ cảnh quan trải nghiệm, khách thích tới Huế, Hội An và thích nhất biển Nha Trang.

Khách Tây xinh đẹp tiếc nuối khi về nước không được ăn đồ Việt - 2
Anh Hưng khi dẫn đoàn khách Australia trong chuyến đi xuyên Việt vừa qua (Ảnh: Phạm Văn Hưng).

Làm hướng dẫn viên du lịch từ năm 2019 sau đó anh Hưng phải tạm bỏ nghề vì đại dịch. Thời kỳ hậu Covid-19, anh dẫn đoàn trở lại, chuyên đón khách ở thị trường tiếng Anh.

Nguồn khách của anh khá đa dạng ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ 18 đến 39 tuổi. Đây là nhóm khách thích trải nghiệm văn hóa địa phương, chấp nhận lăn xả để tìm hiểu. Còn với nhóm khách lớn tuổi ngoài 50 lại thích tìm hiểu về lịch sử văn hóa.

Với nhiều năm làm nghề, anh Hưng nhận thấy khách Australia đa phần thoáng tính, hòa đồng, đặc biệt mê trải nghiệm và rất tôn trọng văn hóa địa phương. Trước khi làm điều gì không chắc chắn, khách luôn hỏi trước hướng dẫn viên du lịch để tránh những trường hợp đáng tiếc.

Khách Tây xinh đẹp tiếc nuối khi về nước không được ăn đồ Việt - 3
Anh cho biết khách Australia rất thích đồ ăn Việt Nam (Ảnh: Phạm Văn Hưng).

Khi được hỏi về những kỷ niệm thú vị trong nghề, Hưng cho biết có quá nhiều ấn tượng khiến anh không thể nhớ hết. Nhưng gần đây nhất, trước khi chia tay một nhóm khách người Australia về nước, hướng dẫn viên du lịch này có hỏi điều gì khiến khách nhớ nhất ở Việt Nam và nhận được câu trả lời khiến anh "ngã ngửa" vì bất ngờ.

Vị khách có tên Matt cho biết, nhớ nhất là vòi xịt vệ sinh - đây là món đồ của Việt Nam mà ở quê nhà anh không có. Matt nhận thấy món đồ này "làm thay đổi cuộc đời mình" khi lần đầu tiên anh được sử dụng. 

"Ở Việt Nam toàn dùng đồ công nghệ cao. Chiếc vòi xịt này vừa tiện lợi lại giúp làm vệ sinh sạch sẽ nên tôi sẽ mua mấy cái về nước", vị khách tiết lộ.

Được biết, Australia vốn là thị trường đầy triển vọng cho ngành du lịch Việt. Đây là nhóm khách có xu hướng lưu trú dài ngày, chi tiêu cao.

Lượng khách Australia đến Việt Nam trong hai tháng đầu năm đạt 97.500 lượt, bằng 25% lượng khách của cả năm 2023. Australia cũng luôn nằm trong top 10 thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam. Năm 2023, đây là thị trường gửi khách thứ 9 đến Việt Nam còn trong hai tháng đầu năm, Australia đứng top 6.