Khẩn trương hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là người có công

Vi Thảo

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Thừa Thiên Huế khẩn trương nghiên cứu, triển khai chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.

Cần triển khai có hiệu quả chính sách giảm nghèo

Chiều 23/4, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Văn Thanh đã tham dự Hội nghị sơ kết giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Khẩn trương hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là người có công - 1

Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Vi Thảo).

Qua báo cáo đánh giá của hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhận định Thừa Thiên Huế đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và cụ thể hóa CTMTQG giảm nghèo bền vững.

Chương trình luôn được quan tâm bố trí kinh phí thực hiện và lồng ghép gắn với các CTMTQG khác, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc, thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

Chương trình đã giúp cho các địa phương, đặc biệt là huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế  xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi,.. tạo điều kiện liên kết vùng, thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhiều hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, có nơi cư trú an toàn, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Các chính sách giảm nghèo thường xuyên và chính sách đặc thù được quan tâm thực hiện, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh, bền vững.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ ra một số mặt tồn tại mang tính không ổn định, địa phương cần có giải pháp tháo gỡ như tốc độ giải ngân nguồn vốn của Thừa Thiên Huế còn khiêm tốn. Do đó, thời gian tới tỉnh phải có các phương án, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn được giao.

Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số tại Thừa Thiên Huế còn cao (hộ nghèo là 47,9%, cận nghèo là 24,7%). Vẫn còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.

Địa phương cần khẩn trương nghiên cứu, triển khai chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng để bảo đảm hộ có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân trên địa bàn.

Địa phương cần có chính sách đặc thù đối với hộ nghèo, cận nghèo có thành viên là người không có khả năng lao động cũng như các đối tượng yếu thế khác.

Khẩn trương hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là người có công - 2

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cùng đoàn công tác kiểm tra dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo tại huyện A Lưới (Ảnh: Vi Thảo).

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng, tại Thừa Thiên Huế còn nhiều hộ thiếu việc làm, kiến thức, kỹ năng, thiếu đất sản xuất, không có phương tiện tiếp cận thông tin.

Thời gian tới, Thừa Thiên Huế cần ưu tiên cân đối nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương để thực hiện chương trình theo tỷ lệ quy định; huy động nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của chương trình.

Tập trung thực hiện các giải pháp, hoạt động của các CTMTQG, đặc biệt là đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giải quyết đất, vốn sản xuất cho hộ nghèo.

Đẩy mạnh xóa nhà tạm, nhà dột nát, phấn đấu đến hết năm 2025 bảo đảm hoàn thành xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh.

Nghiên cứu, có giải pháp cụ thể về giảm nghèo đối với huyện A Lưới và các xã thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn, tránh tình trạng giảm nghèo không bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao.

Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, kết quả tổng rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh có 11.735 hộ nghèo (tỷ lệ 3,56%); 10.854 hộ cận nghèo (tỷ lệ 3,30%).

Giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là gần 1.083 tỷ đồng. Lũy kế đến hết năm 2023, toàn tỉnh giải ngân được gần 313 tỷ đồng.

Đầu năm 2024, tỉnh Thừa Thiên Huế giải ngân được hơn 19 tỷ đồng, trong đó có gần 18 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển cấp 2024; hơn 1 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp 2022-2023 kéo dài sang năm 2024.

Từ nguồn vốn CTMTQG giảm nghèo bền vững và nguồn vốn lồng ghép, Thừa Thiên Huế đã tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội tại huyện nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, ven biển, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, đưa người lao động thuộc đối tượng hộ nghèo đi làm việc ở nước ngoài, đa dạng mô hình sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả,…

Đặc biệt, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa 1.138 nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn, bảo đảm nơi an cư hướng tới thoát nghèo bền vững.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương tại Thừa Thiên Huế đã lồng ghép, phát động nhiều phong trào thiết thực, hướng đến đối tượng hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Qua các phong trào đã huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ xây mới, sửa chữa 964 nhà cho người nghèo trị giá hơn 19 tỷ đồng; hỗ trợ vốn sản xuất cho 503 lượt người với kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng, hỗ trợ khám chữa bệnh, giúp học sinh nghèo học tập gần 2,8 tỷ đồng,...

Khẩn trương hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là người có công - 3

Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững 3 năm qua (Ảnh: Vi Thảo).

Tính đến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Thừa Thiên Huế giảm còn 2,27% (với 7.540 hộ), thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo của khu vực 14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (2,27%/3,83%), đứng thứ 4/14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Tỷ lệ hộ nghèo huyện A Lưới giảm từ 49,98% năm 2021 xuống còn 24,30% cuối năm 2023, bình quân hàng năm giảm 8,56%, vượt chỉ tiêu.

Có 3 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Thừa Thiên Huế tự tin sẽ hoàn thành vượt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn lại 2,0-2,2% vào cuối năm 2025.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững.

Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, các dự án liên quan đến người nghèo, hộ nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.

Tập trung, ưu tiên nguồn lực theo hướng ưu tiên các chương trình, dự án mang lại hiệu quả cao như tạo việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế nhân rộng mô hình giảm nghèo,… lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ.